Qua những câu chuyện chắp vá được từ lời kể của những họa sĩ hay người sưu tầm tranh trước 1975, ông Trương Văn Thanh cùng họa sĩ Nguyễn Thành Lễ gây dựng nên Công ty mỹ nghệ Thanh & Lễ, một công ty mỹ nghệ có nhiều sản phẩm sơn mài, sơn khắc và cẩn được đánh giá cao. “Thanh & Lễ” là tiền thân của Công ty Thành Lễ rất nổi tiếng sau này.
Không có nhiều tài liệu viết về ông Trương Văn Thanh dù sau này khi tách ra từ Công ty “Thanh & Lễ”, ông có công ty mỹ nghệ riêng mang tên mình và vẫn được đánh giá là công ty làm ra nhiều sản phẩm có chất lượng cao, nằm trong nhóm xuất sắc nhất của mỹ nghệ miền Nam trước năm 1975 và cả sau này.
Trong cuốn Niên giám văn nghệ sĩ và Hiệp hội văn hóa Việt Nam 1969-1970, họa sĩ Trương Văn Thanh chỉ được đề cập đến với vài dòng vắn tắt: sinh ngày 18.3.1918 tại Tân Thuận Đông, Sa Đéc, theo học trường Mỹ nghệ đồ gốm, sơn mài, điêu khắc Bình Dương, tỉnh Thủ Dầu Một trong bốn năm. Và các hội đoàn ông đang tham gia.
Ông bà Trương Văn Thanh cùng ba cô con gái khi còn nhỏ. Ảnh: TLGĐ
Sinh thời, họa sĩ Trương Văn Thanh và họa sĩ Nguyễn Văn Rô thân thiết với nhau. Hai gia đình thỉnh thoảng có những chuyến đi chơi chung. Qua sự giúp đỡ của người thân trong gia đình họa sĩ Nguyễn Văn Rô tại Thụy Sĩ, tôi may mắn được trao đổi thư từ với chị Ngọc, con gái út của ông Trương Văn Thanh đang sống tại đất nước này. Chị Ngọc là một trong ba cô con gái của vợ chồng họa sĩ Trương Văn Thanh và cả ba đều đi du học từ trước năm 1975 ở Mỹ và Thụy Sĩ. Các chị đều ra nước ngoài khi đang tuổi mới lớn, lúc nhỏ chỉ lo việc học và không hiểu nhiều về công việc của gia đình nên chỉ có thể kể vài chi tiết về người cha thân yêu.
Chị Ngọc cho biểt ông Trương Văn Thanh khi còn trẻ là bạn của ông Nguyễn Thành Lễ vì cùng xuất thân ở trường Mỹ nghệ Bình Dương. Ông Trương Văn Thanh chỉ hơn ông Thành Lễ một tuổi. Khi học xong nghề làm sơn mài, ban đầu ông Thanh làm một số bình, tranh sơn mài nhỏ đem bày trên lề đường để bán cho khách vãng lai. Ông Lễ lo việc buôn bán, còn việc chính của ông Thanh là sản xuất các loại sản phẩm.
Từ xuất thân ban đầu cùng nghèo như nhau, nhờ giữ nghề và biết làm ăn mà khá dần lên, cùng mở Công ty mỹ nghệ Thanh & Lễ ở Thủ Dầu Một năm 1940. Công ty chuyên sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ theo bộ, bình phong trang trí, đồ mỹ nghệ, tranh sơn mài và ngà tại Thủ Dầu Một. Công ty phát triển qua thời gian, tuyển nhiều nhân viên và thợ, có tới ba phòng trưng bày và bán sản phẩm đặt tại Sài Gòn: Phòng trưng bày Pomone ở số 148 đường Catinat, Phòng trưng bày Thanh & Lễ số 52 đường Lacotte và Nam Dung ở số 34 hành lang Eden.
Một bức tranh cẩn sừng và ngà voi của Công ty Thanh & Lễ. Sưu tầm của Nguyễn Trọng Cơ.
Theo họa sĩ Ba Tuyền, từng làm việc từ thuở ban đầu khi Công ty Thanh & Lễ lập ra và sau này cho Công ty Thành Lễ, phân công trong Công ty Thanh & Lễ như sau: ông Trương Văn Thanh phụ trách thợ, lo phần kỹ thuật; ông Thành Lễ lo ngoại giao, ký hợp đồng. Từ khi bắt đầu làm ra sản phẩm, ông Trương Văn Thanh giữ quy trình nghiêm ngặt trong nghề làm sơn mài: phải qua sáu lớp sơn, mỗi lớp phải đợi cho khô hẳn mới sơn lớp sau. Hàng mỹ nghệ của ông giữ chất lượng tốt nhưng vốn liếng thì ít, phải đợi thời gian lâu mới có hàng đem ra bán.
Tranh Baie d’Halong (45 x 50cm). HS. Trương Văn Thanh vẽ 11.4.1991.
Làm việc với nhau một thời gian dài, giữa hai người xuất hiện những bất đồng. Nhà sưu tầm cổ vật Nguyễn Trọng Cơ, có quen gia đình ông Thanh cho biết ông Trương Văn Thanh trong vai trò phụ trách kỹ thuật nên muốn giữ nghiêm ngặt quy trình, thời gian thực hiện sơn mài để không bị khách phàn nàn, nhưng ông Thành Lễ là người ký hợp đồng nên luôn bị sức ép của khách về tiến độ. Ngoài ra, còn do vài lý do khác nên nảy sinh mâu thuẫn. Những bất đồng đó không hóa giải được nên cả hai tách hẳn ra. Đến đầu những năm 1960, ông Nguyễn Thành Lễ lập nên xưởng Thành Lễ, ông Trương Văn Thanh cũng mở công ty đứng tên riêng của mình.
Khi chia công ty, ông Thành Lễ có quê vợ ở Bình Dương, nên nhận cái xưởng ở Thủ Dầu Một. Ông Trương Văn Thanh mua lại căn nhà số 52 đường Lacotte - Sài Gòn (nay là Phạm Hồng Thái, đối diện khách sạn New World), bề ngang 7m, bề sâu tới cả trăm mét, mở xưởng “Mỹ nghệ sơn mài và điêu khắc Trương Văn Thanh”. Nơi đây được bày biện rất đẹp, chăm chút từng hoa văn trang trí. Công ty của ông sản xuất và kinh doanh các vật dụng, tranh cảnh bàn ghế mỹ nghệ bằng chất liệu sơn mài trang trí trong phòng khách, phòng ăn và phòng ngủ.
Xưởng sơn mài Trương Văn Thanh ở số 52 đường Lacotte (nay là đường Phạm Hồng Thái, TP.HCM). Ảnh: TLGĐ
Riêng Công ty Thành Lễ, sau khi tách ra qua thời gian trở nên rất thành công trong việc sản xuất và kinh doanh, được báo chí đề cập nhiều. Báo chí thời đó khi nói về mỹ nghệ miền Nam, trước hết là nhắc đến Thành Lễ, sau đó là các công ty sản xuất mỹ nghệ phẩm danh tiếng khác, trong đó có Trần Hà, Trương Văn Thanh và Lê Thy.
Trước năm 1975, họa sĩ Trương Văn Thanh vừa vẽ, sản xuất đồ mỹ nghệ vừa tham gia nhiều hoạt động xã hội như điều hành các hội đoàn: Nghiệp đoàn Hội họa Trang trí Nam Việt, Hội Văn hóa Việt Nam, Hội Hồng Thập tự và các hội đoàn Phật giáo ở miền Nam. Trong ký ức của chị Ngọc, cha chị là một người rất thương yêu gia đình. Tính cách của ông vui vẻ, thích kể chuyện tếu bằng vẻ mặt nghiêm trọng cho đến khi mọi người cười lăn ra. Nhưng khi làm việc, ông kỹ lưỡng đâu ra đó, nên trong làm ăn không thu lợi nhiều dù làm ra được nhiều sản phẩm có chất lượng.
Cả ba chị em khi đó chỉ lo học để thi đậu có điểm cao dễ xin xuất ngoại du học, nên không theo dõi công ăn việc làm của cha. Chị chỉ nhớ lúc đó trong nhà có khoảng 5, 6 người thợ đến làm việc như cẩn trứng, lót vàng, vẽ tranh trên mặt gỗ… là những công đoạn quan trọng cho khách đến xem, trong đó có những vị khách người Pháp đến mục sở thị cách thực hiện đồ sơn mài.
Hai cô con gái chụp cùng ông bà Trương Văn Thanh trước khi sang Thụy Sĩ du học. Ảnh: TLGĐ
Sau năm 1975, theo lời kể của họa sĩ Nguyễn Lâm, họa sĩ Trương Văn Thanh đã hơn 60 tuổi vẫn còn làm việc, hợp tác giúp Sở Ngoại thương thành phố sản xuất tranh sơn mài xuất khẩu qua các nước tư bản. Khoảng năm 1980, ông đưa họa sĩ Nguyễn Lâm đi gặp người của Sở Ngoại thương để bàn việc làm tranh sơn mài xuất sang Pháp, Đức, Bỉ. Sau đó, ông Nguyễn Lâm đã tập hợp một nhóm họa sĩ gồm bảy người thực hiện dự án gồm Nguyễn Siên, Nguyễn Lâm, Hồ Hữu Thủ, Hiếu Đệ, Văn Đen, Nghiêu Đề và Đỗ Quang Em. Đây là bước chuyển để sau này, hai họa sĩ Nguyễn Lâm và Hồ Hữu Thủ toàn tâm toàn ý đi theo và phát triển mạnh nghệ thuật sơn mài của riêng mình.
Khoảng năm 1990, khi sang thăm các con gái tại Thụy Sĩ, họa sĩ Trương Văn Thanh có vẽ một số bức tranh bằng màu nước và sơn dầu để lại cho con gái. Tranh của ông vẽ với màu sắc trong sáng, cảnh vật u nhã và nhuốm chất thiền, lưu lại chút tài hoa của ông. Có lẽ đó là chuyến gặp các con ông lần cuối. Ông lâm bệnh rồi vào tu trong chùa Ấn Quang trên đường Sư Vạn Hạnh và mất ngày 2.8.1992. Lễ đưa tiễn ông tổ chức ở chùa Ấn Quang rất trọng thể.
Phạm Công Luận