Trung tâm Báo tin động đất và Cảnh báo sóng thần thuộc Viện Vật lý Địa cầu (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) thông tin trong ngày 28.7, Viện Vật lý địa cầu đã phát đi liên tục 21 bản tin động đất tại khu vực huyện Kon Plong, tỉnh Kon Tum.
Trưa 29.7, tỉnh Kon Tum lại hứng thêm 18 trận động đất. Như vậy, chỉ trong hai ngày đã có 39 trận động đất xảy ra tại khu vực này.
Cụ thể, trận động đất xảy ra mới nhất có độ lớn 3.7 tại khu vực huyện Kon Plong, tỉnh Kon Tum được ghi nhận lúc 10 giờ 7 phút 20 giây ngày 29.7, tại vị trí có tọa độ 14.881 độ Vĩ Bắc - 108.215 độ Kinh Đông. Độ sâu chấn tiêu khoảng 8,1 km, độ rủi ro thiên tai cấp 0.
Trước đó, vào trưa 28.7, trận động đất có độ lớn 5.0 xảy ra ở Kon Tum đã gây rung lắc mạnh cho nhiều tỉnh thành khu vực miền Trung và Tây Nguyên.
Đây là trận động đất mạnh nhất từ trước đến nay ghi nhận được tại khu vực này. Hiện chưa thống kê được thiệt hại của trận động đất trên.
Lý giải về việc xảy ra liên tiếp động đất tại khu vực này trong hai ngày qua, Tiến sỹ Nguyễn Xuân Anh, Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu, cho rằng thông thường khu vực nào xảy ra trận động đất mạnh sẽ có các trận động đất nhỏ kèm theo sau đó.
Ví dụ, do ảnh hưởng của trận động đất có độ lớn 5.0 vào trưa 28.7, nên từ trưa 28.7 đến trưa 29.7 đã xảy ra thêm 25 trận động đất với độ lớn từ 2.5 đến 3.7.
Số liệu lưu trữ của Viện Vật lý địa cầu cho thấy từ năm 1903-2020, tại tỉnh Kon Tum chỉ có hơn 30 trận động đất, trận lớn nhất là 3.9 độ.
Tuy nhiên, từ tháng 4.2021 đến nay, hàng trăm trận động đất đã xảy ra tại Kon Tum, trong đó những trận động đất gây rung chấn diện rộng. Lớn nhất là trận động đất xảy ra trưa 28.7.2024 có độ lớn 5.0 độ, trước đó ngày 23.8.2022 là trận động đất mạnh 4.7 độ.
Tiến sỹ Nguyễn Xuân Anh cho biết thêm động đất có độ lớn từ 5.0-6.0 là động đất có độ lớn trung bình, có thể gây nên thiệt hại trung bình tới thiệt hại nặng cho các công trình xây dựng thiết kế kém, không gây thiệt hại đến thiệt hại nhẹ cho các công trình được thiết kế tốt.
Theo các nghiên cứu sơ bộ, dự báo động đất ở Kon Tum vẫn sẽ tiếp diễn trong thời gian tới, nhưng khó có khả năng lớn hơn 5.5 độ. Chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng cần tiến hành đánh giá thiệt hại, rà soát, đánh giá các công trình yếu có nguy cơ bị ảnh hưởng của động đất và có giải pháp với các công trình này.
“Hiện Viện Vật lý địa cầu đã lắp đặt 11 trạm theo dõi động đất tại Kon Tum và thực hiện các nghiên cứu cập nhật chuyên sâu để đánh giá mức độ hoạt động của động đất ở địa phương này,” Tiến sỹ Nguyễn Xuân Anh cho biết.
Để chủ động phòng chống, giảm thiểu thiệt hại do động đất gây ra, Tiến sỹ Nguyễn Xuân Anh khuyến cáo các địa phương tại khu vực Kon Tum đánh giá tác động và mức độ ảnh hưởng của các trận động đất đã xảy ra đối với nhà dân, trụ sở làm việc, trường học.
Đặc biệt là kiểm tra các công trình thủy điện, thủy lợi để kịp thời phát hiện, khắc phục các sự cố, hư hỏng để đảm bảo an toàn cho người và tài sản.
Đồng thời, sẵn sàng nhân lực, vật tư, phương tiện để ứng phó và khắc phục hậu quả kịp thời khi có tình huống; tiếp tục tuyên truyền nâng cao kỹ năng phòng, chống động đất cho người dân.
Diệu Thúy